Trước hết vẫn là câu chuyện cũ khi VĐV đi thi đấu nhưng có quá ít những người chăm sóc sức khỏe, đội ngũ y tế, dinh dưỡng, chuyên gia tâm lý đi theo để hỗ trợ giúp cho họ có thời gian hồi phục, lấy lại sức mạnh sau các buổi tập luyện nặng nhọc hay giải tỏa mọi sức ép trước và sau khi thi đấu. Chính vì thế dẫn đến việc VĐV thể lực không tốt, tinh thần bất ổn, chấn thương xuất hiện… tuy nhiên không ít tài năng Việt Nam vẫn phải căng mình thi đấu vì áp lực thành tích, vì kỳ vọng quá lớn. Để rồi là những thất bại hàng loạt, kèm theo những chỉ trích khiến cho không ít người xót xa, lo ngại cho tương lai bất ổn của các VĐV này. Có người đã bức xúc giá mà chúng ta mạnh dạn xã hội hóa để đưa thêm những y bác sĩ thể thao hỗ trợ hoặc giảm bớt số quan chức đi theo để thay bằng những người trực tiếp giúp cho VĐV thì có lẽ thành tích cũng không đến nỗi rớt một cách thê thảm như vậy.
VĐV chưa bao giờ được chăm sóc tốt, đó là một thực tế nhức nhối của thể thao nước nhà, nhưng mỗi khi họ ra trận thì bao giờ đòi hỏi đi kèm lại quá lớn. Như trường hợp của Ánh Viên từng là một kỳ tài của thể thao Việt Nam nhưng 2 năm qua cô chuẩn bị như thế nào cho Olympic, có lẽ không nói ai cũng biết khi gần như là số 0. Trước đây đưa Viên đi Mỹ thì khoán trắng cho HLV, không có sự theo dõi đánh giá, đến khi thấy không đạt yêu cầu rút về nước thì cũng chẳng có sự quan tâm thấu đáo. Suốt thời gian qua Viên không được tập huấn liên tục, thiếu HLV giỏi, dinh dưỡng cũng chẳng đến nơi đến chốn, đến Olympic theo chuẩn B cũng đã là cố gắng rồi. Lẽ ra ngành TDTT cần phải có sự chăm chút, đầu tư, phải xây dựng một lộ trình mang tính khoa học và chuyên nghiệp cho Viên không chỉ ở Olympic mà cả những giải về sau vì dù sao cô cũng chỉ mới 24 tuổi vẫn còn khả năng đóng góp tốt. Thế mà tất cả như buông bỏ để Viên sa sút thành tích ở Tokyo rồi còn lạnh lùng phán là “thời cô đã hết”. Thử hỏi đối xử như vậy còn ai có thể yên tâm cống hiến cho thể thao nước nhà.
|
Chính cách nhìn nhận và xem nhẹ với các tài năng thể thao đã tạo ra một khoảng trống vô cùng lớn cho thể thao Việt Nam khi bước ra vũ đài quốc tế. Điều này trước hết sẽ ảnh hưởng đến lực lượng kế thừa vì liệu có còn cha mẹ nào dám cho con đi theo con đường thể thao khi họ không được chăm sóc, không được định hướng đúng, không được tạo điều kiện môi trường tốt và cơ hội để cất cánh, phát triển? Thứ nữa là tiền đầu tư, cách chăm sóc cho các tài năng này rất khó tránh khỏi kiểu dàn trải hay phân phát theo dạng trăm hoa đua nở. Và quan trọng cách làm của những người có trách nhiệm với thể thao nước nhà trong nhiều chục năm qua vẫn vậy, vẫn mang tính đối phó, chạy theo thành tích trước mắt, ăn đong khu vực mà không có sự bền bỉ kéo dài. Thiếu tầm chiến lược và sự chuyên nghiệp với thể thao thành tích cao thì đừng mong gì kéo gần khoảng cách của thể thao Việt Nam với thế giới.
Tin liên quan
Olympic 2020: Khoảng trống mênh mông của thể thao Việt Nam - Báo Thanh Niên
Read More
No comments:
Post a Comment