Rechercher dans ce blog

Monday, April 26, 2021

Đế chế kinh doanh của Florentino Perez - VnExpress

Trước khi kích hoạt Super League, Chủ tịch Real Florentino Perez được biết đến là một nhà kinh doanh đại tài, sẵn sàng dấn thân vào những dự án ít ai dám nghĩ đến.

Màn tháo chạy tập thể của nhiều CLB sáng lập, chỉ ít ngày sau khi Super League tuyên bố ra đời, trở thành một sự sỉ nhục hiếm có trong đời đối với Florentino Perez - Chủ tịch CLB Real Madrid đồng thời là Chủ tịch của giải đấu mới.

Với Super League, Perez tham vọng gia tăng nguồn doanh thu cho các CLB thành viên. Sự ra đời của siêu giải đấu ấy, theo Perez, sẽ ngăn chặn dòng tiền thất thoát trong suốt một thập kỷ đã qua và cứu lấy những CLB vốn đã lâm vào cảnh nợ nần ngay từ trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Nhưng mục tiêu đó không chỉ giới hạn với riêng Real Madrid, với các CLB lớn nhất của châu Âu, hay thậm chí với cả nền bóng đá.

Perez vẫn kiên quyết bảo vệ Super League, bất chấp việc sáu đội bóng Anh đã đào tẩu. Ảnh: AFP.

Perez vẫn kiên quyết bảo vệ Super League, bất chấp việc sáu đội bóng Anh đã đào tẩu. Ảnh: AFP.

Với chính cơ ngơi kinh doanh của ông, Perez đã và đang theo đuổi chiến lược tương tự. Nhà tài phiệt sinh năm 1947 đang làm việc với một nhóm cố vấn tài chính mật thiết, nhằm biến tập đoàn xây dựng ACS của ông trở thành công ty vận hành các trạm thu phí cầu đường lớn nhất thế giới.

Hồi đầu tháng 4/2021, Perez đã khánh thành một dự án có thể mang đến một nguồn doanh thu ổn định trong nhiều năm tới cho ACS, khi đấu thầu 10 tỷ euro để mua lấy mạng lưới đường cao tốc lớn nhất Italy từ tập đoàn Atlantia.

Tầm nhìn đối với Super League lẫn ACS là tinh hoa tụ hội từ hơn một thập kỷ hoạch định của một vị doanh nhân đã sống sót qua cuộc khủng hoảng bất động sản Tây Ban Nha từ 2007-2008, cuộc khủng hoảng vốn nhấn chìm nhiều đối thủ của Perez.

Trong cả hai thương vụ này, nhà tài phiệt 74 tuổi đều tìm tới Key Capital – một đơn vị tư vấn và môi giới ít tiếng tăm có trụ sở đặt tại Madrid – để nhờ giúp đỡ. Một trong những thành viên của Key Capital, Anas Laghrari, được sắp xếp để trở thành Tổng thư ký của SLCo - công ty vừa được thành lập chịu trách nhiệm vận hành Super League. Trong khi đó, Perez là Chủ tịch của giải đấu này.

Jonathan Amouyal, thành viên của quỹ đầu cơ TCI có trụ sở đặt tại London, cho biết: "Cách thức quản lý các khoản đầu tư của Florentino đang có bước chuyển quan trọng. Ông ấy dường như mong muốn các khoản đầu tư của mình sẽ chảy vào những dự án mang tính ổn định hơn, với khả năng dự báo cao hơn và có tầm nhìn rõ ràng hơn. Không thể nào cả đời cứ gắn với các dự án xây dựng được".

Laghrari (phải) là cánh tay phải của Perez trong dự án Super League. Ảnh: El Mundo

Laghrari (phải) là cánh tay phải của Perez trong dự án Super League. Ảnh: El Mundo

Nhưng ngay lúc này, Perez nhận ra rằng những nỗ lực cải cách bóng đá của ông đang vấp phải làn sóng phản đối dữ dội. "Tôi có chút buồn và thất vọng vì chúng tôi đã theo đuổi dự án nằm trong suốt ba năm qua", Perez nói trên đài phát thanh Cadena SER của Tây Ban Nha hôm 21/4. Ông gọi phản ứng của các tổ chức bóng đá như UEFA là "hung hăng" và "được dàn dựng". Người đứng đầu Super League cũng tin rằng quyết định thoái lui của các CLB Anh khỏi dự án đã "lây nhiễm" cho các CLB còn lại.

Cuộc tháo chạy của gần như toàn bộ 12 CLB sáng lập đã giáng một đòn chí mạng vào tham vọng của Super League. Và bây giờ câu hỏi được đặt ra không chỉ là cách Perez lẫn Real sẽ phản ứng ra sao, mà còn là việc tham vọng của ông đối với ACS có bị lay chuyển hay không.

"Tôi chắc chắn ông ấy sẽ trở lại với một điều gì đó", Financial Times dẫn lời một người thân cận với Perez, nói về những động thái tiếp theo của dự án Super League. "Công sức và tâm huyết suốt bốn năm trời đâu dễ đổ ra sông ra bể".

Trong nhiều thập kỷ đã qua, Perez là một trong những nhà môi giới quyền lực nhất ở Tây Ban Nha, nhờ vào những vai trò đan xen cả trong thể thao lẫn kinh doanh. Rất lâu trước khi Perez xuất hiện, những hàng ghế VIP ở Bernabeu đã là nơi gặp gỡ bàn bạc của các giám đốc điều hành với giới chính trị gia Tây Ban Nha. Real là CLB Hoàng gia, thân với giới cầm quyền đến nỗi cựu hoàng Juan Carlos thường có thói quen mở đầu những cuộc họp với các bộ trưởng bằng chủ đề về tỷ số các trận đấu gần nhất của đội bóng.

Nhưng phải khi Perez làm Chủ tịch CLB năm 2000, tức ba năm sau khi ACS được thành lập, Real mới trở thành một thế lực thương mại hơn.

Mọi thứ được bắt đầu thông qua các thương vụ "Galacticos" như David Beckham và Luis Figo. Để có tiền mua các siêu sao này, Perez đã chuyển đổi trung tâm huấn luyện cũ của Real thành một khu phức hợp hiện đại, nổi tiếng bậc nhất Madrid để đổi lấy khoảng nửa tỷ euro. "Đấy, là chúng đấy", tờ nhật báo ABC của Tây Ban Nha trích dẫn một câu nói của Perez về bốn tòa tháp được dựng lên ở Madrid mà ACS góp phần xây dựng. Chúng là cách gọi của ông dành cho những bản hợp đồng siêu sao của CLB. "Tháp Figo, tháp Zidane, tháp Ronaldo và tháp Beckham."

Perez áp dụng cùng một nguyên tắc quản trị cho cả đế chế xây dựng ACS của ông lẫn Real Madrid. Ảnh: AS

Perez áp dụng cùng một nguyên tắc quản trị cho cả đế chế xây dựng ACS của ông lẫn Real. Ảnh: AS

Dù dự án "Galacticos" ban đầu thất bại trong việc tạo nên một tập thể gắn kết và thành công, dẫn tới việc Perez phải từ chức và có ba năm gián đoạn, rời xa cương vị Chủ tịch Real từ 2006-2009. Nhưng đến giờ, sau 17 năm được Perez quản trị, Real đã giành tới năm chức vô địch Champions League.

"Ông ấy luôn gắn hình ảnh kinh doanh của mình với Real, và ông ấy chưa bao giờ che giấu điều đó cả", Lorenzo Bernaldo de Quiros – Chủ tịch của Freemarket, một công ty tư vấn có trụ sở đặt tại Madrid – cho biết.

Trong khi đó, ACS phủ định ý kiến cho rằng Perez tìm cách kết nối cơ ngơi kinh doanh của ông với Real. "ACS hiện diện trên khắp thế giới", một người thân tín với công ty cho hay, ám chỉ rằng tập đoàn xây dựng này có đến 180.000 nhân viên. "Nếu Real thật sự muốn đi theo các lĩnh vực kinh doanh như của ACS, khác nào họ phải chiêu mộ một cầu thủ Australia, một cầu thủ Canada – điều đó rõ ràng hết sức vô nghĩa".

Khi Perez trở thành trung tâm của làn sóng phản đối kịch liệt đối với dự án Super League, ông nói trên một kênh truyền hình Tây Ban Nha hồi đầu tuần như sau: "Tôi không sở hữu Real, mà là các hội viên của CLB. Những gì tôi đang làm là vì lợi ích của bóng đá".

Bên cạnh bóng đá, tham vọng thương mại, giữa Real và ACS còn có một điểm chung khác: nợ. Perez mới tuần này cho biết Real đã thâm hụt ngân sách đến 400 triệu euro trong hai mùa gần nhất. Ngoài ra, CLB còn có một khoản vay chưa thanh toán lên tới 575 triệu euro phục vụ cho việc nâng cấp SVĐ Bernabeu và thêm một khoản vay khẩn cấp 200 triệu euro do chính phủ hỗ trợ trong thời đại dịch.

ACS có giá trị vốn hóa thị trường 8,4 tỷ euro. Nhưng như nhiều tập đoàn xây dựng đối thủ khác, họ cũng vừa vay mượn vừa chi tiêu đáng kể trong suốt thời gian khủng hoảng tài chính. Hiện tại, ACS đang nợ dài hạn hàng tỷ euro, và nợ ngắn hạn 2,9 tỷ euro.

ACS mô tả các giao dịch gần đây của họ - gồm thỏa thuận bán các doanh nghiệp dịch vụ công nghiệp ngay trong tháng này cho công ty Vinci của Pháp có giá trị 5 tỷ euro – là một phần trong nỗ lực kéo dài một thập kỷ, nhằm củng cố vị thế tài chính. Đây cũng là một bước đi trong quá trình chuyển đổi để ACS tập trung cho dịch vụ thu phí cầu đường và ngành công nghiệp năng lượng tái tạo.

"Hoạt động kinh doanh cơ bản của ACS rất tốt, nhưng nó lại mang tính chu kỳ và họ đã gánh quá nhiều khoản nợ trước cuộc khủng hoảng tài chính", một cựu nhân viên ngân hàng từng làm việc với tập đoàn, cho biết. "Florentino không có một bảng cân đối tài chính tương thích với tham vọng của ông ấy, và có lẽ ông cũng không có một phương thức và quy trình quản lý doanh nghiệp phù hợp để kiềm chế chúng".

Nếu ACS hy vọng dịch vụ thu phí cầu đường sẽ mang đến một dòng tiền ổn định – thông qua việc mua lấy mạng lưới đường cao tốc của Atlantia – để từ đó tạo dựng nền tảng cho các hoạt động kinh doanh trong tương lai, thì bản thân Perez cũng bày tỏ tham vọng tương tự đối với Real. "Tiền bản quyền truyền hình. Chúng tôi, những CLB lớn, có lượng CĐV đông đảo ở Singapore và Trung Quốc, có thể nói là khắp mọi nơi. Bạn có thể nhìn thấy thông qua mạng xã hội... Đấy là thứ đẻ ra tiền", Perez nói về Super League. "Tôi bước vào thế giới bóng đá vào năm 2000. Bóng đá cũng phải phát triển, như cuộc sống và kinh doanh vốn phát triển không ngừng... Và nó cũng phải thay đổi, phải thích ứng... Điều chúng tôi muốn làm là cứu lấy bóng đá, để ít nhất trong vòng 20 năm tới, nó có thể sống một cách yên ổn mà không bị mất 200 triệu euro".

Bất chấp sự phản đối từ người hâm mộ và thế giới bóng đá nói chung, Perez vẫn tin Super League là con đường đúng đắn để cứu bóng đá. Ảnh: AP

Bất chấp sự phản đối từ người hâm mộ và thế giới bóng đá nói chung, Perez vẫn tin Super League là con đường đúng đắn để cứu bóng đá. Ảnh: AP

Từ nhiều nguồn tin, Perez đã chuẩn bị một nền tảng cho Super League trong nhiều năm, thông qua việc hợp tác với JP Morgan, ngân hàng đầu tư hỗ trợ tài chính cho giải đấu và các CLB sáng lập khác. Perez lập luận rằng những thiệt hại kinh tế đối với nền bóng đá gây ra bởi đại dịch chính là chất xúc tác của dự án mà Key Capital giữ vai trò trung tâm.

"Key Capital là cái tên mà cách đây vài năm tôi không hề hay biết, nhưng rồi nó đột nhiên xuất hiện khắp nơi", một nhân viên cấp cao của một ngân hàng có trụ sở đặt tại Madrid, cho hay. "Florentino đã tin tưởng ai, ông sẽ rất coi trọng họ".

Ra đời năm 2010, Key Capital đã đứng ra để giúp ACS đạt được một thỏa thuận trước đó với Atlantia. Hai công ty cùng mua lấy tập đoàn thu phí cầu đường Abertis của Tây Ban Nha vào năm 2018, ngay cả khi ACS đang trong cảnh túng thiếu. Đổi lại, ACS trao cho Atlantia cổ phần trong công ty con Hochtief ở Đức.

Key Capital cùng với Societe Generale (SocGen) hiện cũng giúp Perez thâu tóm hoạt động thu phí cầu đường của chính Atlantia, trong khi bản thân doanh nghiệp Italy này lại muốn bán nó cho một tập đoàn thuộc quỹ đầu tư nhà nước.

Dù thỏa thuận với Atlantia sẽ có thể biến đổi ACS đáng kể, chính vai trò của Key Capital trong dự án Super League mới khiến công ty này trở thành tâm điểm của sự chú ý.

Đặc biệt, hai cố vấn thân cận nhất của Perez lại chính là cổ đông và đối tác cấp cao tại Key Capital. Một người là Laghrari, 37 tuổi, mang quốc tịch Pháp gốc Morocco và từng làm việc trong vai trò một nhân viên chứng khoán phái sinh tại SocGen, cho đến khi gia nhập Key Capital vào năm 2013. Laghrari, từ khi mới chào đời, đã biết Perez bởi cha của vị cố vấn này từng làm việc với Chủ tịch Real trong các dự án xây dựng ở Morocco.

Một người từng kề vai sát cánh với cả hai nhân vật nói trên cho biết Laghrari giống như một người trong gia đình, khi dành hàng giờ đồng hồ mỗi tuần để bên cạnh Perez: "Anas nhận được sự tin tưởng tuyệt đối từ Florentino. Chỉ cần Anas không thích hoặc không tin một điều gì đó, Florentino sẽ từ bỏ thương vụ".

Perez vốn không mấy tự tin với khả năng sử dụng tiếng Anh của ông. Vì thế, doanh nhân này luôn nhờ đến Laghrari để giải quyết mọi vấn đề, từ việc đọc các hợp đồng cho đến tư vấn về cách thiết lập các giao dịch.

Một cố vấn đáng tin cậy khác của Perez là Borja Prado, một nhà quý tộc 65 tuổi. Ông là cổ đông lớn thứ ba của Key Capital (với cổ phần gần 15%, chỉ sau Laghrari với 17%) và là người sáng lập, đang giữ hơn 43% cổ phần của tập đoàn Alex Matitia.

Prado từng là cố vấn cho Perez trong suốt nhiều thập kỷ khi còn làm việc tại Rothschild, Lazard và Mediobanca. Ông cũng như từng là Chủ tịch của Endesa – tập đoàn điện lực Tây Ban Nha từng được Enel của Italy mua lại vào năm 2009 mà trong đó, ACS giữ vai trò then chốt.

Một doanh nhân người Tây Ban Nha quen biết cả hai, từng nhận xét: "Bạn có thể quay ngược thời gian và thấy Borja thu thập phiếu bầu để Perez trở thành chủ tịch Real Madrid. Họ thân đến mức đó".

Prado là cổ đông lớn thứ ba của Key Capitals, đồng thời là cố vấn thân tín của Perez nhiều năm qua. Ảnh: GGF

Prado là cổ đông lớn thứ ba của Key Capitals, đồng thời là cố vấn thân tín của Perez nhiều năm qua. Ảnh: GGF

Prado và Perez đã cùng đi qua những thời kỳ bĩ cực, như năm 2006, khi Perez từ chức Chủ tịch Real sau một loạt kết quả bết bát, hay như cuộc khủng hoảng tài chính mà sau đó ACS buộc phải bán đi nhiều tài sản để duy trì được vị thế. Perez đã trở lại mạnh mẽ sau những thất bại như vậy. Ông định hình lại ACS, và khi trở lại ngồi ghế Chủ tịch Real năm 2009, Perez cũng biến CLB trở thành một thế lực hùng mạnh hơn bao giờ hết.

Nhưng giờ, khi Super League dường như đã tan đàn xẻ nghé và số phận cuộc đấu thầu của ACS với Atlantia chưa được định đoạt, Chủ tịch của Real rõ ràng là đang phải đương đầu với hai thử thách lớn nhất sự nghiệp.

Hoàng Thông (theo Financial Times)

Let's block ads! (Why?)


Đế chế kinh doanh của Florentino Perez - VnExpress
Read More

No comments:

Post a Comment

Ngôi sao Man Utd phá vỡ kỷ lục được thiết lập từ 17 năm trước của Ronaldo - Báo Dân Trí

Tiền đạo người Đan Mạch nhân đôi cách biệt cho Man Utd sau khi kiến tạo bàn mở tỷ số ở phút thứ 5 cho Marcus Rashford tại sân vận động Molin...